Khi sơ cứu, điều quan trọng là tự bảo vệ bản thân (và nạn nhân) tránh nhiễm khuẩn cũng như chấn thương. Hãy thực hiện các bước để tránh lây nhiễm chéo (lây nhiễm mầm bệnh hoặc nhiễm khuẩn sang nạn nhân; hoặc bị nhiễm khuẩn từ nạn nhân).
Hãy nhớ rất dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn với ngay cả những vết thương khá nhỏ, nhất là khi bạn có vết thương hở, bởi những virus lây truyền qua đường máu, như viêm gan B, viêm gan C hoặc HIV, có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với máu. Trong thực tế, nguy cơ này thường thấp và không cản trở chúng ta thực hiện sơ cứu. Tuy nhiên, nguy cơ đó sẽ tăng lên nếu máu của một người bị nhiễm bệnh tiếp xúc với máu bạn thông qua một vết cắt hoặc vết xước.
Thông thường, chỉ cần rửa tay và đeo găng tay dùng một lần là đủ để bảo vệ bạn và nạn nhân. Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus lây qua đường máu có thể lây nhiễm trong quá trình hồi sức. Nếu có sẵn mặt nạ bảo hộ hoặc khẩu trang bỏ túi, bạn nên sử dụng chúng mỗi khi thực hiện hô hấp nhân tạo
Khi nào cần hỗ trợ y tế
Tránh để kim tiêm tim thấy trên người hoặc xung quanh nạn nhân đâm vào bạn, hoặc mảnh thủy tinh cắt vào tay bạn. Nếu không may bị đâm hoặc bị cắt vào da hoặc bị bắn vào mắt, hãy rửa sạch những vị trí này và gọi hỗ trợ y tế ngay lập tức. Nếu thường xuyên làm sơ cứu, bạn nên tìm kiếm những cách hiệu quả để bảo vệ bản thân, ví dụ như tiêm phòng. Nếu bạn bị phơi nhiễm trong khi sơ cứu, hãy xin lời khuyên y tế càng sớm càng tốt.
Lưu ý:
Hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm
- Nên rửa tay và đeo găng tay không chứa latex, loại dùng một lần. Nếu không có sẵn găng tay, hãy yêu cầu nạn nhân tự băng vết thương, hoặc bọc tay bạn bằng túi nylon sạch.
- Nên băng vết cắt hoặc vết xước trên tay bạn bằng băng gạc không thấm nước.
- Nên mặc áo phủ nylon nếu phải xử lý lượng dịch cơ thể lớn và đeo kính bảo vệ mắt.
- Nên xử lý an toàn mọi chất thải
- Không chạm vào vết thương bằng tay không, cũng không chạm vào phần băng gạc sẽ tiếp xúc với vết thương.
- Không thở, ho hoặc hắt hơi vào vết thương.