Điện giật là tai nạn nguy hiểm gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí ngừng tim, phụ thuộc vào cường độ dòng điện và đường đi qua cơ thể. Khi gặp trường hợp điện giật, cần ngắt nguồn điện an toàn, đánh giá tình trạng nạn nhân theo quy trình, sơ cứu đúng cách, và gọi hỗ trợ y tế ngay lập tức. Việc hiểu và thực hiện đúng các bước xử lý có thể bảo vệ tính mạng và giảm thiểu biến chứng cho nạn nhân.
1. Hiện tượng điện giật
Điện giật là hiện tượng sinh lý xảy ra khi có dòng điện đi qua cơ thể, để lại hậu quả tổn thương các cơ quan, thậm chí ngừng tim. Nguyên nhân chủ yếu do cơ thể tiếp xúc trực tiếp với dòng điện, hoặc gián tiếp do đứng gần nơi có điện áp cao gây ra hiện tượng phóng điện qua không khí.
Mức độ tổn thương các cơ quan phụ thuộc vào điện áp, cường độ dòng điện, đường đi của dòng điện qua cơ thể và các chấn thương kèm theo.
2. Dấu hiệu thường gặp khi bị điện giật
Một số dấu hiệu thường gặp khi bị điện giật bao gồm:
- Bỏng ở vị trí tiếp xúc với nguồn điện.
- Co giật cơ bắp.
- Khó thở hoặc ngừng thở.
- Bất tỉnh hoặc nhịp tim không đều.
- Mất cảm giác hoặc đau tại các chi.
3. Điều bạn cần làm khi gặp trường hợp bị điện giật
1. Gọi người hỗ trợ. Không cố gắng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, trừ phi bạn chắc chắn nguồn điện đã được cách ly.
2. Đánh giá ý thức theo quy trình ABC như trường hợp tai nạn khác, chú ý chấn thương kèm theo, đặc biệt cột sống.
3. Ủ ấm nạn nhân
4. Gọi hỗ trợ y tế trong bất kể tình huống điện giật nào.
4. Một số lưu ý khi sơ cứu người bị điện giật
- Tuyệt đối không cho người bị nạn ăn hay uống bất cứ thứ gì khi chưa có sự đánh giá và cho phép của nhân viên y tế hoặc cứu hộ
- Đừng quên chấn thương cột sống và kiểm soát chấn thương nếu tai nạn không có người chứng kiến.
- Cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế ngay nếu: sốt, nước tiểu ít dần, màu nước tiểu đỏ, mệt mỏi đau cơ.
- Tổn thương do tia lửa điện bao gồm bỏng nhiệt, chấn thương, tiêu cơ, tổn thương não và rối loạn nhịp tim nặng nề.
5. Tổng kết về điện giật
Điện giật là tai nạn nguy hiểm nhưng có thể giảm thiểu rủi ro nếu được xử lý kịp thời và đúng cách. Các bước cơ bản để xử lý điện giật bao gồm: ngắt nguồn điện, kiểm tra tình trạng nạn nhân, và sơ cứu vết thương trước khi chuyển đến cơ sở y tế. Việc nắm rõ các bước sơ cứu không chỉ giúp bảo vệ tính mạng người bị nạn mà còn giảm thiểu các biến chứng sau tai nạn.