I. Giới Thiệu :
Trong chương 1, bài 7 "Đánh Giá Ban Đầu" của cuốn sách 3 Phút Sơ Cứu của bác sĩ Ngô Đức Hùng, tác giả hướng dẫn cách nhận diện và đánh giá nhanh tình trạng nguy cấp của nạn nhân để đưa ra quyết định sơ cứu kịp thời và hiệu quả.
II. Quan Sát Hiện Trường:

Thực hiện ngay trước khi tiếp cận với người bị nạn, bạn hãy nghe, nhìn, ngửi mùi và cảm nhận.
- Điều gì đã xảy ra, có an toàn cho bạn khi tiếp cận với người bị nạn hay không?
Chú ý các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho người tiếp cận với hiện trường hoặc vụ tai nạn như cháy nổ, rò rỉ khí gas, nơi có xăng dầu,hóa chất, dây điện... Hoặc khu vực bạn biết sẽ thiếu oxy như trong hầm lò, giếng đào...
Ví dụ: Tình huống một người mất ý thức nằm cạnh cột điện hoặc có dây điện hở gần đó, ngay lập tức bạn phải nghi ngờ đó là một vụ rò rỉ điện và tìm cách ngắt cầu dao trước khi tiếp cận với người bị nạn.Nếu không, bạn có thể trở thành nạn nhân tiếp theo.Bạn phải quyết định nhanh:
- Để người bị nạn nằm tại chỗ sẽ an toàn hơn di chuyển: tại nạn giao thông, chấn thương ngã cao...
- Di chuyển nhanh chóng người bị nạn đến nơi an toàn hơn rồi tiến hành sơ cứu: ngạt khói, hóa chất...
- Chờ đợi cứu hộ đến rồi phối hợp với họ.
- Có bao nhiêu người bị nạn? Trạng thái của họ ra sao?
Chú ý nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với máu, chất dịch của người bị nạn: virus HIV, viêm gan B, bệnh truyền nhiễm khác.
Người bị nạn kích động, hoảng loạn do sử dụng chất kích thích (say rượu, ma túy) sẽ gây nguy hiểm cho người sơ cứu.
III . Yêu Cầu Hỗ Trợ :
Luôn tuân thủ nguyên tắc gọi hỗ trợ trước khi sơ cứu.Trong các vụ tai nạn ngoài cộng đồng, sẽ xảy ra hai tình huống:
- Hiệu ứng bàng quan (Hội chứng Genovese): chỉ về một tình huống khẩn cấp mà những người có mặt không giúp đỡ nạn nhân. Càng nhiều người chứng kiến càng ít nhận được hỗ trợ bởi nỗi lo sợ bị đổ lỗi về việc họ không gây ra hoặc dính dáng đến pháp luật.
- Tình huống hỗn loạn: quá nhiều người tham gia, mỗi người một ý.Lúc này, đám đông cần người chỉ huy.
IV . Chú Ý :
Hãy ngừng lại và chờ sự giúp đỡ nếu :
- Bạn không chắc chắn đảm bảo an toàn cho mình.
- Bạn không đủ tự tin và không biết mình làm đúng hay không.
- Bạn đang mất bình tĩnh và hoảng sơ.
- Người bị nạn hung dữ , kích động hoặc từ chối sơ cứu.
V. Các Bước Sơ Cứu Người Bị Nạn:

- Người bị nạn tỉnh, trả lời đúng:
Quan sát toàn trạng, nhịp thở, bắt mạch xem có dấu hiệu sốc hay không, có khó thở không. Chú ý cố định cột sống cổ trong tất cả các trường hợp tai nạn giao thông hay ngã cao trước khi đặt người bị nạn vào tư thế an toàn thích hợp. Tốt nhất là nằm nghiêng an toàn. Khi nghi ngờ chấn thương đốt sống cổ, đặt người bị nạn ở từ thế trung gian dành cho người chấn thương cột sống cổ.
- Người bị nạn không tỉnh táo, rối loạn ý thức, rên rỉ:
- Kiểm soát đường thở, lấy dị vật, răng giả khỏi miệng nếu có.
- Cố định đốt sống trong trường hợp chấn thương.
- Hỗ trợ hô hấp.
- Nằm nghiêng an toàn. Nếu có dấu hiệu sốc, đặt người bị nạn tư thế đầu thấp chân cao.
- Người bị nạn bất tỉnh:
- Còn thở:
- Kiểm soát đường thở.
- Cố định đốt sống trong trường hợp chấn thương.
- Hỗ trợ hô hấp.
- Nằm tư thế an toàn.
- Không thở: đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền phẳng, thực hiện hồi sinh tim phổi cơ bản.
V. Kết Luận :

Bài học "Đánh Giá Ban Đầu" khép lại với thông điệp rằng sự bình tĩnh, quan sát cẩn thận, và đánh giá chính xác có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống một con người.