
"Hecato nói: 'Hãy ngừng hy vọng và rồi ngươi sẽ ngừng sợ hãi.' Nguyên nhân chính tạo nên hai căn bệnh này là thay vì thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, chúng ta lại lo lắng về tương lai quá xa."
Seneca, 'Moral Letter'
1. Giới thiệu tác giả

Lucius Annaeus Seneca (thường được gọi đơn giản là Seneca hay Seneca Trẻ (4TCN-65) là một triết gia người La Mã thuộc trường phái triết học khắc kỷ và là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài đương thời, ông là một tên tuổi lớn của văn học La Mã. Ông từng là thầy giáo và cố vấn cho hoàng đế Nero Bạo chúa. Ông sau đó đã bị ép buộc phải tự tử vì bị cho là đồng lõa trong âm mưu ám sát hoàng đế Julio-Claudian, tuy nhiên, ông có thể đã được tuyên vô tội.
Trong các bức thư đạo đức, Seneca thường trích dẫn các ý tưởng của các triết gia đi trước, như Hecato xứ Rhodes, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc sống trong hiện tại và vượt qua những lo lắng không cần thiết.
2. Hy vọng và sợ hãi

- Hy vọng được coi là một điều tích cực. Là mong muốn một điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai. Tập trung vào những điều chưa xảy ra và ngoài tầm kiểm soát.
- Sợ hãi được coi là điều tiêu cực. Là lo lắng về một điều xấu có thể xảy ra trong tương lai.Tập trung vào những điều chưa xảy ra và cản trở sự bình yên trong hiện tại.
Hy vọng và sợ hãi, tuy có vẻ đối lập, lại giống nhau ở chỗ đều là những dự báo về tương lai - một tương lai nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cả hai đều không chỉ khiến chúng ta sống sai với tinh thần của triết lý Khắc Kỷ mà còn làm giảm khả năng tận hưởng cuộc sống thực tại. Nhà Khắc Kỷ không xem hy vọng là một điều tốt, vì nó kéo theo nguy cơ thất vọng khi kết quả không như mong đợi. Tương tự, sợ hãi làm tâm trí bị giam cầm bởi những lo lắng không cần thiết.
3. Nguyên nhân gây ra sự lo lắng
Lo lắng bắt nguồn từ mong muốn kiểm soát điều mà chúng ta không có khả năng thay đổi. Khi đặt hy vọng vào tương lai, chúng ta sẽ luôn ở trạng thái bất an vì không chắc chắn điều đó có xảy ra hay không. Ngược lại, sợ hãi làm chúng ta sống trong trạng thái lo lắng và mất tập trung.
Seneca nhấn mạnh rằng chính việc gắn bó với các kết quả mong đợi – như hy vọng thành công hoặc sợ thất bại – là lý do dẫn đến lo âu. Khi con người chấp nhận rằng mọi thứ đều diễn ra theo cách của nó và tập trung vào hiện tại, sự lo lắng sẽ dần tan biến.
4. Lời kết

Để tìm thấy sự bình yên, hãy buông bỏ cả hy vọng và sợ hãi. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc chấp nhận hiện tại và yêu thương định mệnh của mình, như triết lý của Hecato và Seneca đã truyền dạy.