Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về tác giả. Cal Newport là tác giả của 6 cuốn sách phát triển bản thân đồng thời cũng là giảng viên ngành Khoa Học Máy Tính tại trường đại học ở Mỹ, đồng thời cũng là chủ trang blog Study Hacks Blog. Cuốn sách "Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê" là lập luận của tác giả về việc kỹ năng phải có trước đam mê xoay quanh 4 quy tắc chính. Thứ nhất: Đừng theo đuổi đam mê của bạn, thứ hai: Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn, thứ ba: Từ chối cơ hội thăng tiến và quy tắc cuối cùng, thứ tư: Nghĩ nhỏ, làm lớn.
Đầu tiên, đừng theo đuổi đam mê của bạn?? Mới nghe qua thì ý tưởng này thật điên rồ và có lẽ đi ngược lại với hầu hết các phát ngôn của những người thành công nhất mà chúng ta từng biết như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg. Chúng ta sẽ nói về nhà sáng lập của Apple, Steve Jobs. Ông đã phát biểu trong lễ tốt nghiệp của mình rằng bạn phải tìm ra cái mình yêu thích, đam mê nó và tìm một công việc phù hợp với đam mê của mình, nhưng nếu bạn tìm hiểu về cuộc đời của ông, bạn sẽ thấy rất nhiều sự mâu thuẫn. Ban đầu, ông không hề đam mê công nghệ, ông đam viết chữ nghệ thuật và tìm hiểu về văn hóa phương Đông, vậy điều gì đã khiến ông thay đổi con đường và dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mà ông không hề hứng thú. Đó là lúc ông gặp được người bạn về thiên tài công nghệ của mình Steve Wozniak, 2 người quyết định khởi nghiệp và đã sáng lập ra tập đoàn Apple hùng mạnh ngày nay. Vậy Steve Jobs cũng như bạn, ban đầu ông cũng không biết chính xác đam mê của mình là gì, chỉ khi làm việc, ông mới tìm được đam mê trong chính công việc của mình. Cal Newport viết rằng "… những yếu tố tạo nên một công việc tuyệt vời thì rất hiếm hoi và quý giá. Nếu muốn có nó, bạn cần một thứ gì đó hiếm hoi và quý giá để trao đổi. Nói cách khác, bạn cần phải giỏi một việc gì đó trước khi mong đợi có được một công việc tốt."
Quy tắc thứ hai: Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn. Ở quy tắc này, tác giả đưa cho chúng ta tư duy thợ lành nghề thay vì tư duy đam mê, tư duy thợ lành nghề là khi bạn giỏi một lĩnh vực nào đó và có thể tạo ra giá trị cho xã hội cũng như bản thân nhờ vào kiến thức và kỹ năng của lĩnh vực đó. Khác với tư duy niềm đam mê, bạn sẽ luôn luôn tìm ra mặt trái trong công việc đam mê của mình mà không chú trọng vào việc tạo ra giá trị cho công việc đó. Tác giả còn giới thiệu cho chúng ta về thuyết vốn liếng sự nghiệp, anh cho rằng chính vốn liếng sự nghiệp giúp chúng ta tiếp cận công việc mà mình yêu thích trên 3 tiêu chí: sự tự chủ, sự liên kết và năng lực. Sự tự chủ là cảm giác bạn nắm quyền kiểm soát một ngày của mình, và những gì bạn làm là quan trọng. Sự liên kết là cảm giác kết nối với người khác. Năng lực là cảm giác bạn thuần thục với công việc mình làm. "Hay nói cách khác, làm việc đúng vượt trội hơn hẳn tìm đúng việc." Do đó chúng ta nên tập luyện có chủ đích các kỹ năng đặc biệt hơn là tập luyện nhiều kỹ năng, bạn hãy luyện tập đến khi nào bạn cảm thấy mình đã kinh nghiệm đến mức có một sự tự tin tỏa ra bên ngoài. Đó là thứ mà những người xung quanh có thể cảm nhận được.
Sang đến quy tắc thứ ba: Từ chối cơ hội thăng tiến. Đây cũng là một quy tắc rất thú vị, quy tắc này giúp bạn nhận ra được giá trị của bản thân và thực sự kiểm soát nó. Có 2 chiếc bẫy cơ bản ngăn cản bạn đến với sự kiểm soát đó. Chiếc bẫy kiếm soát thứ nhất: Quyền kiểm soát đạt được mà không có vốn liếng sự nghiệp thì không bền vững, khi bạn thực sự muốn kiểm soát công việc riêng của mình, bạn cần có đủ vốn liếng sự nghiệp trước, nếu không bạn chắc chắn sẽ thất bại. Khi chẳng có ai quan tâm đến những gì bạn làm với sự nghiệp của bạn, nhiều khả năng lúc đó bạn chưa có đủ vốn liếng sự nghiệp để làm một điều gì đó thú vị. Chiếc bẫy kiểm soát thứ hai: Là thời điểm mà bạn đã có đủ số vốn liếng sự nghiệp cần thiết để đạt được sự kiểm soát có ý nghĩa trong công việc, đó cũng chính là thời điểm mà bạn trở nên giá trị đến mức ông chủ hiện tại của bạn sẽ cố gắng ngăn cản bạn tạo ra sự thay đổi này. Hai chiếc bẫy chung quy là về vấn đề tài chính, đúng là bạn thực sự cần tiền để sống nhưng thực sự bạn có cần nhiều đến vậy không?
Và quy tắc cuối cùng, quy tắc thứ tư: Nghĩ nhỏ, làm lớn. Cal Newport chỉ ra rằng chúng ta khi đã có đủ vốn liếng sự nghiệp thì nên tìm ra sứ mệnh cho bản thân, và bằng cách đó chúng ta nhận ra được những phản hồi từ thế giới xung quanh để tiếp tục phát triển bản thân, hoặc bạn tạo ra dấu ấn hoặc bạn vô hình. "Để tạo nên thành công cho một dự án được truyền cảm hứng bởi sứ mệnh, nó cần phải tạo dấu ấn theo hai cách khác nhau. Trước tiên, nó cần phải thúc đẩy mọi người chia sẽ nó với người khác. Thứ hai, nó cần phải được đưa vào một nơi có thể hỗ trợ việc tiếp thị này.